Ngày xuân lễ Phật là nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt. Ngoài việc cầu bình an, hạnh phúc cho gia đạo, khách hành hương còn vãn cảnh chùa để tìm về sự an yên, thanh tịnh. Dưới đây là một số gợi ý thú vị dành cho bạn vào mùa lễ hội rộn ràng này.
-
Non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh)
Quần thể danh thắng gồm hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử gắn liền với sự hình thành, và phát triển của thiền phái Trúc Lâm. Hành trình về Yên Tử tựa như đến với cổng trời. Du khách sẽ chiêm bái chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu và cuối cùng là chùa Đồng. Tại Yên Tử còn có Bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông trong tư thế ngồi thiền trên đài sen, cao 12,6m, được đúc từ 138 tấn đồng bằng kỹ thuật đổ liền khối, đúc nổi trực tiếp. -
Chùa Bái Đính (Ninh Bình)
Nằm men theo sườn núi, giữa một thung lũng mênh mông hồ và núi đá, chùa Bái Đính sở hữu nhiều kỷ lục: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Những pho tượng, tháp chuông tại đây đều chạm đến đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc. Hòa cùng quan cảnh thiên nhiên, quần thể chùa Bái Đính xứng đáng được gọi bằng cái tên hoa mỹ: “bồng lai tiên cảnh”. -
Chùa Hương (Hà Nội)
Lễ hội chùa Hương diễn ra vào mồng 6 tháng Giêng kéo dài đến hạ tuần tháng 3 Âm lịch hằng năm, đón hàng triệu lượt khách trẩy hội, dâng hương. Nét độc đáo của trẩy hội chùa Hương là ngồi thuyền vãn cảnh núi sông hiền hòa, lạc vào non tiên cõi Phật. Với tên gọi khác là Hương Sơn, quần thể chùa Hương gồm có hàng chục ngôi chùa, nhiều đền thờ thần, đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp…, là nơi gắn liền với đời sống tâm linh của người dân cả nước. -
Cụm chùa Linh Ứng (Đà Nẵng)
Thành phố biển Đà Nẵng có 3 ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng tọa lạc tại 3 địa điểm khác nhau, tạo thành một hình tam giác huyền bí, linh thiêng. Linh Ứng – Bãi Bụt, nơi có tượng Quan Thế Âm cao 67m. Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn tuy được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ nét đẹp cổ kính cùng những tượng Phật bằng đá trắng nguyên khối. Cuối cùng là chùa Linh Ứng – Bà Nà, nơi có tượng phật Thích Ca Mâu Ni cao 27m, tọa thiền trên đài sen cao 6m. -
Chùa Dơi (Sóc Trăng)
Nằm lọt thỏm giữa cánh rừng bạt ngàn cây sao, cây dầu, chùa Dơi nổi bật một màu vàng bao phủ. Đến đây, du khách sẽ nhìn thấy các họa tiết tiêu biểu trong kiến trúc Khmer. Mái chùa được chạm trổ hoa văn rắn thần Naga uốn lượn tinh xảo. Ngoài gian chính điện, khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố, nhà ở của các sư, nhà hội Sa La. Ngoài ra, du khách còn bắt gặp những chú dơi treo mình lủng lẳng trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa. -
Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang)
Nằm ngay dưới chân núi Sam, TP.Châu Đốc, miếu Bà Chúa Xứ gắn liền với nhiều giai thoại bí ẩn. Ngôi miếu bố cục hình chữ “Quốc” của Hán tự với cách trang trí bằng nghệ thuật điêu khắc vô cùng tinh xảo. Chánh điện uy nghiêm với tượng Bà bằng đá sa thạch đặt trên bệ cao. Vào ngày 23 tháng 4 âm lịch hằng năm, khách hành hương kéo về dự lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đông nghịt. Năm 2015, lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(Ảnh: Tổng hợp từ Internet)