Sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim đặc biệt hút khách du lịch

Khám phá - Trải nghiệm
Gốm Chu Đậu ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương từ lâu được biết đến là một dòng gốm cổ có giá trị độc đáo, nổi tiếng khắp trong và ngoài nước.

Khoảng 3 năm trở lại đây, mặt hàng gốm Chu Đậu vẽ vàng kim mới xuất hiện nhưng ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường, ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi sự tinh xảo, độc đáo cũng như giá trị thẩm mỹ riêng có của dòng gốm này.

Kỳ công, tinh xảo

Đến với làng nghề gốm Chu Đậu, trong hàng nghìn sản phẩm được giới thiệu, có một khu vực luôn thu hút đông khách tham quan và người mua dừng chân bởi những bình hoa, đồ trang trí, ấm chén… lấp lánh ánh vàng. Đó chính là những sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng kim.

So với những sản phẩm gốm Chu Đậu thông thường, quy trình làm ra một sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng đòi hỏi kỳ công gấp nhiều lần.

Theo những nghệ nhân ở đây, nếu như để làm ra một sản phẩm gốm thông thường chỉ cần những công đoạn: trộn nguyên liệu, tạo hình, trang trí, nung đốt chừng 12 tiếng đồng hồ ở 1.200-1.250 độ C, với sản phẩm vẽ vàng, sau lần nung đốt này, người nghệ nhân sẽ tuyển chọn những sản phẩm xuất sắc nhất và thêm hai công đoạn vẽ vàng kim và nung thêm một lần trong vòng 10 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ 1.000 độ C để vàng bám chặt vào nền sản phẩm.

Trong kho mẫu thiết kế của Chu Đậu hiện nay có đến hàng nghìn mẫu họa tiết có thể sử dụng để vẽ vàng kim, có những mẫu dựa trên hoa văn cổ để vẽ lại, có những mẫu do người nghệ nhân sáng tác.

Theo nghệ nhân Hà Bá Định, người có gần 60 năm gắn với nghề gốm, thời xưa, các cụ chỉ viền vàng lên sản phẩm gốm.

Còn hiện nay sáng tạo của Công ty Chu Đậu là tô thêm vàng kim lên sản phẩm để tôn thêm đường nét hoa văn, cho sản phẩm thêm sang trọng.

Chính nét vàng kim đặc biệt phù hợp và nổi trên nền vàng của các sản phẩm Chu Đậu.

Nói về giá trị nghệ thuật, độ tinh xảo của sản phẩm gốm vẽ vàng, ông Định nói: “Trên một sản phẩm, không phải mọi chi tiết đều vẽ vàng mà người thợ chỉ chọn lọc chi tiết.

Chính sự chắt lọc đó đòi hỏi phải có trình độ. Vẽ vàng lên gốm là vẽ sau khi gốm đã nung, thế nên nền gốm rất trơn nên thủ pháp phải rất chính xác.

Chẳng hạn, đối với hoa lam – họa tiết điển hình của gốm Chu Đậu – rất nhiều chi tiết, đòi hỏi nghệ nhân phải rất tinh tường, phải tay nghề cao, nét bút phải hết sức chuẩn, chính xác, vẽ chậm nhưng phải tinh tế, cầu kỳ chứ không dễ như vẽ lên sản phẩm gốm thường”.

Chị Trần Kim Liên – người có 20 năm cầm bút vẽ gốm – hiện nay là một trong những người có tay nghề vẽ vàng giỏi nhất ở Chu Đậu chia sẻ: “Vẽ vàng rất khó vì vàng kim rất rít, vẽ hay đứt nét, không vẽ phóng bút được, không được phép sai, lỗi. Về thời gian, vẽ vàng lâu hơn vẽ mực chàm.

Chẳng hạn, với sản phẩm bình giọt ngọc loại cao 50cm, men ánh trăng, vẽ cảnh đồng quê, tôi vẽ 5 ngày mới xong. Trong khi đó, nếu vẽ mực chàm lên gốm chỉ trong 1 ngày là xong, vẽ chàm kim chỉ 2,5 ngày.

Hiện chị Liên là thợ chính có thể sáng tác nhiều bức tranh phong cảnh đồng quê, sơn thủy, rồng phượng trực tiếp bằng vàng kim lên các sản phẩm đã phủ men các màu: nâu, tím…

Vì độ khó của vẽ vàng đòi hỏi tay nghề cao như vậy nên không phải ai cũng làm được. Trong số khoảng 200 công nhân ở gốm Chu Đậu, chỉ có 10-15 người vẽ vàng có tay nghề.

Lúc cao điểm có đơn hàng lớn, huy động cả 15 người vẽ, còn thông thường, chỉ khoảng 10 người làm chính. Đương nhiên, thù lao của những người thợ vẽ vàng luôn được trả cao hơn.

Anh Nguyễn Trung Khoa, Phó Phòng Hành chính, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu cho biết một nghệ nhân vẽ vàng được trả công cao hơn nghệ nhân vẽ thường 20% đối với một sản phẩm, thu nhập trung bình 8,5 triệu đồng/người/tháng, có tháng trên 10 triệu đồng/người.
Nét độc đáo của gốm vẽ vàng còn ở chính chất liệu vàng được chọn.

Theo anh Khoa, vàng vẽ lên gốm Chu Đậu là vàng kim, phải nhập khẩu từ Đức. So sánh giữa một sản phẩm gốm Chu Đậu thông thường với sản phẩm được vẽ vàng, giá bán của sản phẩm vẽ vàng cao gấp ít nhất khoảng 5 lần, đắt bởi giá trị của vàng trang trí và ở sự kỳ công, tinh xảo, độc nhất vô nhị.

Hàng trăm mẫu sản phẩm

Sức hút của dòng sản phẩm gốm Chu Đậu vẽ vàng đang ngày càng tăng, mặc dù sản phẩm này có mặt trên thị trường chưa lâu.

Nếu như năm 2014, Chu Đậu chỉ mới có hơn 100 mẫu, hiện nay, gốm Chu Đậu có trên 380 mẫu sản phẩm vẽ vàng, tập trung vào 3 dòng chính: bình hoa, đồ phong thủy và đồ gia dụng mà chủ yếu là ấm chén.

Sản phẩm vẽ vàng hiện có giá cao nhất hiện nay là bộ sản phẩm bình hoa lam và bình tỳ bà, cỡ đại, giá 500 triệu đồng (250 triệu đồng/sản phẩm). Những sản phẩm có mức giá từ 30-60 triệu đồng chiếm nhiều nhất.

Nhu cầu trang trí nội thất và biếu tặng ngày càng vào sự thanh nhã, sang trọng, quý phái. Lựa chọn gốm vẽ vàng Chu Đậu vẽ vàng đang là xu hướng lựa chọn của ngày càng nhiều người tiêu dùng.

Theo anh Khoa, doanh số bán hàng đối với sản phẩm gốm vẽ vàng năm 2016 tăng 15% so với năm 2015.

Đặc biệt, riêng dịp Tết Đinh Dậu 2017, doanh số bán hàng tăng 250% so với dịp Tết Bính Thân 2016. Trong đó, bán chạy nhất là bộ đồ thờ gồm các sản phẩm: bát hương, mâm bồng, đèn dầu, chĩnh thờ, ống hương, khay trầu cau, lộc bình gốm, đỉnh hạc, ly và nậm rượu, bát thờ, đài nước.

Những nỗ lực sáng tạo và cải tiến về mẫu mã của công ty gốm Chu Đậu đã và đang triển khai, kết hợp với việc chú trọng làm du lịch làng nghề đang là hướng đi mang lại hiệu quả trong quá trình chấn hưng lại sức sống của làng nghề gốm cổ Chu Đậu xưa.

TTXVN